Một năm sóng gió
của ông Donald Trump
Tổng thống Donald Trump đã ghi dấu năm đầu tiên lãnh đạo nước Mỹ bằng hàng loạt quyết sách gây tranh cãi, như xây tường biên giới với Mexico, ra sắc lệnh nhập cư, công nhận Jerusalem là thủ đô Israel... Ông cũng phải đối mặt với nhiều áp lực lớn, từ cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho tới các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Trong 2017, ông đã có hai chuyến công du lớn, vào tháng 5 và tháng 11. Trong chuyến tháng 11, ông đã tới thăm nhiều nước châu Á, bao gồm Việt Nam.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Dấu ấn của Tổng bí thư
Tập Cận Bình
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra trong tháng 10/2017. Đại hội đã đề ra những quyết sách quan trọng cho phương hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2022. Đại hội thống nhất đưa Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới vào Điều lệ Đảng Cộng sản nước này. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Các đại biểu cũng nhất trí bầu ông Tập Cận Bình tiếp tục làm Tổng bí thư.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Bán đảo Triều Tiên
nóng như chảo lửa
Năm 2017, bán đảo Triều Tiên trở thành điểm nóng của thế giới, với hàng loạt vụ thử tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng, cùng vô số các cuộc tập trận chung của các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và sự hiện diện của nhiều siêu tàu chiến Mỹ ở khu vực. Tình hình càng thêm căng thẳng khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên liên tục khẩu chiến, dành cho nhau những lời đe dọa và cảnh báo gay gắt. Trung Quốc và Nga tiếp tục kêu gọi giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Chấn động vụ sát hại
“Kim Jong Nam”
Ngày 13/2, công dân Triều Tiên được cho là “Kim Jong Nam”, anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đã bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. Hai nữ nghi phạm, Siti Aisyah (người Indonesia) và Đoàn Thị Hương (người Việt Nam), đã bị bắt. Giới chức Malaysia cho biết, còn bốn nghi phạm khác người Triều Tiên có dính líu nhưng hiện không rõ tung tích. Phiên xử hai nữ nghi phạm bắt đầu từ ngày 2/10 và hiện đang tạm dừng. Vụ xử sẽ được mở lại vào đầu 2018.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Chính trường Hàn Quốc chao đảo
Tháng 3/2017, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bị phế truất do tham nhũng và dính líu tới bê bối để bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào công việc nhà nước, đồng lõa với bà này trong nhiều vụ làm ăn tai tiếng. Bà Park là tổng thống đầu tiên trong lịch sử chính trường Hàn Quốc phải rời khỏi Nhà Xanh khi chưa hết nhiệm kỳ. Sóng gió bắt đầu nổi lên quanh "ghế nóng” của Tổng thống Park sau khi một bê bối liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng bị phanh phui.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Các vụ tấn công man rợ
ở nhiều nơi
Hàng loạt vụ tấn công đã xảy ra ở nhiều nơi, trong đó phải kể đến có vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ. Gần 60 người chết, hơn 500 người bị thương sau khi tên Stephen Paddock tấn công một lễ hội âm nhạc ở Las Vegas vào tối 1/10. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ. Một vụ việc khác cũng được dư luận quan tâm là vụ đánh bom và xả súng hôm 24/11 tại nhà thờ Hồi giáo Al Rawdah, Ai Cập khiến 235 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Căng thẳng biên giới
Trung Quốc-Ấn Độ
Tháng 6, quân đội Trung Quốc cùng các xe xây dựng và thiết bị mở đường bắt đầu mở rộng một con đường hiện có về hướng cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang), vùng lãnh thổ mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan, nước đồng minh của Ấn Độ, đều tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ đã điều xe tăng và hàng chục nghìn quân tới ngăn cản Trung Quốc. Nhiều báo Trung Quốc đã đề cập tới khả năng chiến tranh, song tới 28/8, hai nước đã nhất trí rút quân sau các cuộc đàm phán ngoại giao.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Nóng rẫy “vụ ly hôn”
giữa Anh và EU
Hôm 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về việc chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi đầu thủ tục đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Sau 9 tháng đàm phán cam go, ngày 8/12, một thoả thuận quy định các điều khoản liên quan đến “cuộc ly hôn” giữa Anh và EU đã được ký kết. Tuy nhiên, theo dự đoán của giới phân tích, những cuộc đàm phán trong thời gian tới sẽ còn trắc trở hơn nhiều so với giai đoạn đầu.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet
Cuộc chiến quyền lực
tại Zimbabwe
Tối 14/11, quân đội Zimbabwe đã giam giữ vợ chồng Tổng thống Robert Mugabe, bảo vệ các văn phòng chính phủ, tuần tra đường phố ở thủ đô Harare. Quân đội khẳng định họ chỉ 'hành động nhắm vào tội phạm'. Chiều 19/11, đảng cầm quyền ZANU-PF nhất trí hạ bệ ông Mugabe khỏi chức chủ tịch đảng, đưa cựu Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa lên thay thế. Tới ngày 22/11, Tổng thống Mugabe nộp đơn từ chức. Và hai ngày sau đó, ông Mnangagwa lên làm Tổng thống lâm thời của Zimbabwe.
Nội dung: Quốc tế | Ảnh: Sưu tầm | Thực hiện: Multimedia VietNamNet