việc tử tế tháng 5 việc tử tế tháng 5
phạm đình quýphạm đình quý
phạm đình quýviệc tử tế tháng 5

hớ lại về cơ duyên dẫn lối đến công việc kỹ sư xây trường tình nguyện "toàn thời gian", anh Quý cho biết: "Câu chuyện được bắt đầu từ một lần tôi vô tình lên Mường Lát chở đồ tặng các cháu cùng một nhóm từ thiện. Hôm ấy, trời đổ cơn mưa lớn, tôi đi ngang qua căn nhà bán trú dột nát của các cháu mà quên luôn cả việc đi tặng quà, cứ đứng đấy suy nghĩ một hồi lâu. Hầu hết học sinh ở nơi đây đều là những em nhà rất xa, chưa kể địa hình hiểm trở, muốn học con chữ thì đều phải ở lại trong căn nhà bán trú này. Vậy mà, dột nát thế này sao ở".

phạm đình quý

Chính điều kiện khó khăn ấy đã hạ gục trái tim của anh và lòng trắc ẩn của một người tử tế đã thôi thúc anh phải làm gì đó để giúp học sinh nơi đây.

Tính đến nay, anh đã gắn bó với công việc này được hơn 5 năm và trải qua nhiều gian nan, trở ngại, trong đó miền Trung là một trong những nơi để lại trong anh nhiều kí ức khó phai nhất.

Năm 2016, khi dự án đã qua giai đoạn khởi động, anh quyết tâm đặt mục tiêu xây dựng 26 ngôi trường tại miền Trung và Nam Trung Bộ vào cùng một thời điểm. Ngân sách phải kêu gọi ủng hộ, cộng thêm một núi công việc cùng một lúc ở 26 điểm trường, thế nên anh phải vất vả sớm hôm, không có lấy một ngày nghỉ. Khó khăn còn chồng chất khó khăn. Thời gian anh Quý xây trường, thời tiết không ủng hộ, bão kéo dài. Chính tay anh phải đi thuê nẹp để giữ mái khỏi bay, may sao không điểm trường nào bị tổn thất nặng nề.

Hỏi anh bí quyết, anh khiêm tốn nói: "Trước khi xây trường, tôi có tìm hiểu kỹ về thời tiết, tìm chọn nơi xây dựng tránh được ảnh hưởng của bão. Nhưng tất cả chỉ là tương đối, có lẽ do may mắn phần nhiều".

phạm đình quý
phạm đình quý

Các điểm trường có xây dựng thành công hay không cũng nhờ một phần chung tay góp sức của người dân địa phương. Khi bắt tay vào một dự án, anh luôn đến thăm hỏi bà con, thuyết phục họ giúp đỡ công trình. Người dân quý mến nên sẵn sàng giúp anh địu gạch lên dốc cao.

Thế nhưng, lần đó, con dốc không phải vài trăm mét mà là quãng đường 11km gạch đá, dẫn lên hai điểm trường Pó Qua và Nà Cuồng thuộc trường TH Niêm Tòng, Mèo Vạc, Hà Giang. Bà con muốn giúp cũng khó lòng mà hỗ trợ anh được. Anh Quý gọi thuê xe tải nhưng không ai nhận, vì địa hình hiểm trở, xe nổ lốp là điều rất dễ xảy ra. Anh thuyết phục mãi họ mới đồng ý chở vật liệu vào, nhưng đang giữa đường thì điều e ngại xảy đến, xe không đi được nữa. Anh đành thuê xe nhỏ, chở từng đợt vào một, khiến thời gian kéo dài, chi phí tăng cao.

Suốt quãng thời gian 5 năm qua, tuy khó khăn là thế nhưng với sự toàn tâm toàn ý với dự án thiện nguyện này, anh Quý vẫn luôn hoàn thành công việc với sự ngưỡng mộ, cảm kích của nhiều người.

phạm đình quý

Có những em học sinh đến bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ "thầy" Quý, vì "thầy" Quý là người biến những ngôi trường dột nát, tạm bợ thành những mái trường kiên cố, vững chãi.

Với nhiều thầy cô, anh Quý được coi là người "giáo viên danh dự", một người "thầy" đặc biệt của trường học. Thậm chí, sau khi chứng kiến công việc anh đang làm, có những thầy cô ngay lập tức hạ quyết tâm cùng anh đi xây trường, như anh Nguyễn Thiện Kế, Hiệu trưởng trường THCS Tân Lĩnh, Yên Bái. Năm học 2017 - 2018, trường của anh Kế đã được anh Quý hoàn thành trong niềm vui háo hức của các em học sinh.

Anh Kế vừa mang trong mình niềm cảm kích lẫn hâm mộ nên sau khi kết thúc năm học, không quản ngại khó khăn, anh đã quyết định khăn gói lên đường đến Hà Giang để phụ giúp anh Quý một tay.

Anh Kế chia sẻ: "Có những khoảnh khắc mà tôi ân hận khi đã đi theo anh Quý vì công việc sao nhiều trở ngại quá. Thế nhưng, bản thân tôi được chính anh Quý tiếp thêm ý chí từ những câu chuyện nghị lực của anh nên tôi đã từng bước giải quyết những khó khăn ấy. Anh làm được, tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt".

phạm đình quýphạm đình quý

Ý tưởng sơ khai về xây trường "giá từ thiện" lúc đầu, tính đến nay, anh Quý đã hoàn thành xây dựng được hơn 100 ngôi trường, tương đương hàng chục tỉ tiền quyên góp của vô số mạnh thường quân cả nước.

Hỏi về bí quyết làm thế nào để kêu gọi được số tiền ủng hộ khổng lồ đến thế, anh cười, nói: "Nếu không có mạng xã hội, không có Facebook, chắc chắn tôi sẽ không thể làm được nhiều như vậy". Đối với anh Quý, Facebook không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần để giải trí, liên lạc,... như bao người khác mà còn là một công cụ đắc lực giúp anh lan tỏa những hình ảnh, mẩu phim ngắn về cuộc sống khó khăn của các em nhỏ vùng cao, về những ngôi trường mái lứa đơn sơ và về chính hành trình kì diệu của mình.

phạm đình quý

Nhận được sự ủng hộ từ đông đảo cộng đồng, có những bài viết của anh thu hút cả nghìn lượt thích. Anh chia sẻ: "Đến khi làm công việc này, tôi mới biết đất nước mình không thiếu những mạnh thường quân, không tiếc tiền ủng hộ làm việc tốt. Điều quan trọng là tôi phải củng cố niềm tin ở họ, là tôi phải làm từ thiện thật".

Làm từ thiện có khi là con dao hai lưỡi. Vì vậy, hỏi anh Quý đã từng có ai nghi ngờ anh dùng đồng tiền quyên góp sai mục đích hay chưa, anh chỉ cười, liền đáp: "Chưa bao giờ, vì tôi công khai tất cả khoản chi tiêu. Các nhà hảo tâm ủng hộ bao nhiêu, đến 5 năm sau, tôi vẫn sẽ trả lời được số tiền ấy được tiêu vào đâu". Với mỗi dự án, anh Quý lại có một bảng tính kê khai mọi hạng mục chi tiết và công khai trên trang cá nhân của mình. Với những khoản nhỏ hơn như hóa đơn của từng công trình, anh đều công khai cho "đồng nghiệp" giúp sức trong cùng dự án, vốn là những thầy cô, người dân,... biết.

phạm đình quý
phạm đình quý
phạm đình quý
phạm đình quýphạm đình quý

Đi quãng đường dài 365.000 km tương đương 9 vòng Trái Đất trong 5 năm, anh Quý có thể được coi là một phượt thủ “có số má”. Nhưng, khác với trào lưu "phượt" của giới trẻ, anh đi với một mục đích lớn - lan tỏa tình yêu thương dành cho người nghèo khó, đồng bào vùng cao, trẻ em vùng núi.

Nhớ lại về những kỉ niệm đầu tiên trên con đường gian nan này, anh Quý đâu thể quên dự án xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh ở Mường Lát, Thanh Hóa. Thời điểm ấy, con đường đưa vật liệu lên xây trường không có đường nhựa mà chỉ độc toàn đường đá, thêm vào đấy, vốn xây dựng còn thiếu, anh Quý vừa làm, vừa kêu gọi, đồng thời tiết kiệm chi phí từng chút một.

Có một nhà hảo tâm ở Hà Nội ủng hộ gạch, anh cũng nhận, sau đó mới tìm cách mượn xe tải để chở lên. Đường xá xa xôi, gạch nặng trịch, anh không quen xe nên đến dốc cao thì xe chết máy. Anh liền đạp phanh, rồi cứ chờ mãi, đến khi có người dân đi qua mới nhờ họ chèn bánh hỗ trợ anh. Cuối cùng, xe gạch cũng bò lên được. Gian nan là vậy, nhưng vẫn còn những con đường ghập ghềnh hơn Mường Lát. Đó là quãng đường dài 15km ở xã Lũng Hồ, Yên Minh, Hà Giang hay là quãng đường 18km ở Nậm Tần Xá, Pa Tần, Sìn Hồ, Lai Châu. Dẫu khó khăn, chông gai nhưng anh Quý lại gọi đây là kỉ niệm vui, có lẽ bởi với anh, được giúp đỡ đồng bào, trẻ em vùng cao là niềm hạnh phúc to lớn nhất.

phạm đình quý phạm đình quý

Hỏi anh về cung đường đẹp nhất Việt Nam mà anh đã từng đi qua, anh Quý liền nói một hồi say mê về Hà Giang. Thế nhưng, một lúc sau, anh bỗng trầm ngâm suy nghĩ. Anh chia sẻ: "Hà Giang dẫu đẹp là vậy nhưng lại nghèo. Xã Lũng Hồ là xã nghèo nhất của tỉnh Hà Giang, nếu một ngày, tôi có thể về đây công tác, giúp đỡ cho bà con nơi đây thì thật tốt biết nhường nào"

Quyết định đi theo con đường "phượt" quanh năm, gian nan nhất không phải vì sự hi sinh tiền bạc, sức khỏe mà là sự đánh đổi về thời gian, tình cảm gia đình. 5 năm qua, anh không thể ở bên cạnh gia đình, ở bên con gái. Trước khi bắt đầu hành trình này, anh chỉ hỏi con một câu: "Bố có lý tưởng xây dựng 100 trường học cho các em nhỏ nơi rẻo cao, con có đồng ý cho bố đi theo lý tưởng của mình không?". May mắn thay, con gái anh hiểu được mơ ước của bố, luôn ủng hộ người cha của mình trên con đường này.

Anh Quý bộc bạch: "Tôi phải làm khác đi thì các cháu học sinh vùng cao mới có ngôi trường đẹp. Ôm hoài bão lớn, thế nên tôi phải hi sinh những thứ của riêng bản thân mình. Nhưng dù thế nào, tôi cũng sẽ tiếp tục đi tiếp trên con đường lý tưởng ấy".

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chương trình truyền hình Việc tử tế đồng hành bởi Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) sẽ đem đến cho người xem những thước phim ý nghĩa nhất về những tấm gương đẹp, đồng thời lan toả những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Chương trình phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Gala tháng phát sóng lúc 20h10 thứ 7 (tuần thứ 2 của tháng) trên VTV1. Khán giả có thể theo dõi thêm thông tin chi tiết về chương trình tại:

Fanpage Việc tử tế
Kênh youtube Việc tử tế