6h30 sáng, từng tốp du khách ríu rít rủ nhau tạo dáng chụp ảnh đón bình minh trên bờ biển Bãi Cháy cát trắng mịn. Ít ai biết rằng, trước đó, khi mặt trời còn chưa ló rạng, những “cô Tấm” đã âm thầm dọn sạch khối lượng rác lên tới 6 tấn. Còn đội cứu hộ đã hoàn tất chỉnh trang hệ thống phao, biển báo an toàn. Tất cả sẵn sàng cho một ngày mới sôi động…
Phơi mình triền miên 4- 5h đồng hồ dưới cái nắng chói chang 40 độ của mùa hè nên dù đã được che chắn bằng khẩu trang, nón, mũ và vài lớp chống nắng song những công nhân dọn vệ sinh chỉ cần đứng yên một chỗ thôi cũng đủ để tan chảy như một cây kem.
Ngày làm việc của bộ phận dọn vệ sinh bãi biển bắt đầu từ 6h sáng, khi mặt trời vừa thức giấc, cho tới lúc mặt trời lên tới ngọn cây. Sau ca nghỉ trưa, họ lại tiếp tục công việc đến khi hoàng hôn dần buông trên mặt biển. Có lẽ hình ảnh những nhân viên vệ sinh trong trang phục “ninja”, đội nón sụp kín mặt, tỉ mẩn quét, nhặt từng mảnh ni lông, từng vỏ đồ uống trên mặt biển đã trở nên quen thuộc với khách du lịch tới mức hiếm ai để tâm tới việc họ đang vất vả như thế nào.
Tranh thủ thời điểm 7h sáng, khi nắng còn chưa gay gắt để nghe chị Phan Thị Thủy, nhân viên bộ phận vệ sinh chia sẻ về công việc của mình mà mồ hôi của chúng tôi đã túa ra như tắm. Cứ ngỡ chị sẽ tranh thủ để kể khổ, để liệt kê hết những bức xúc trong quá trình làm việc. Vậy mà, trong suốt buổi nói chuyện, tôi đều bắt gặp ánh mắt tự hào của chị khi kể về lý do gắn bó với công việc vất vả này.
Theo thống kê của ban quản lý bãi biển, vào mùa cao điểm, mỗi ngày có khoảng 6 tấn rác chủ yếu là giấy ướt, hộp xốp, chai nhựa, đồ ăn thừa, túi ni lông… được thu gom trên bờ biển Bãi Cháy. Nghe các chị tâm sự về công việc cứ… nhẹ như không. Song có tận mắt chứng kiến “quy trình nhặt rác” mới thấu cảm được niềm lạc quan, yêu đời của các chị.
Bởi nếu trên sàn bê tông hay sàn nhà thì dụng cụ lao động chỉ cần chổi. Song trên bãi cát, với địa hình đặc biệt, thì cần “đồ nghề” đặc biệt cùng “kỹ thuật” tỉ mỉ hơn.
Bởi những “món quà” mà du khách tặng lại bãi biển có vô vàn kích thước khác nhau từ bình nước vài chục lít, thùng mì tôm cho tới những hạt hướng dương, cây tăm nhọn hoắt nhỏ li ti mà nếu không tỉ mỉ bới cát để tìm và nhặt thủ công thì không thể sạch hết được. Lại còn tiềm ẩn nhiều mối nguy cho bàn chân trần của khách.
Đội cứu hộ bãi biển – họ là những người sở hữu đôi mắt cú vọ, ứng biến rất nhanh với các tình huống nguy hiểm. Dù trời nắng chói chang hay mưa giông ngợp trời, dù trong ca trực hay đã hết giờ, chỉ cần “có biến” là có cứu hộ.
Nếu đội công nhân vệ sinh môi trường như một người mẹ dịu dàng của bãi biển, thì cứu hộ viên được ví như những người cha mạnh mẽ, trong vai người hùng mang tới sự an yên cho mỗi du khách.
Một ngày làm việc cứu hộ bờ biển bắt đầu từ hơn 6 giờ sáng bằng việc chỉnh trang lại hệ thống phao, biển báo, rồi “dạo chơi” bên mép nước để quan sát. Đặc thù bãi biển Bãi Cháy có độ chênh nước triều lên tới hơn 4h nên những lúc nước xuống, các anh phải đứng sát mép mới quan sát và hướng dẫn cho người dân, du khách. Đến khi nước dâng cao, thì chòi cứu hộ là bạn đồng hành. Anh Đặng Văn Cường, 4 năm gắn bó với nghề đùa rằng nghề cứu hộ bờ biển cả ngày được ngắm biển, được ngồi trên trời và đón gió khơi, vui buồn đều hòa cùng biển.
Trong quãng thời gian làm nghề, đội cứu hộ bãi biển đã giúp hồi sinh không biết bao nhiêu người gặp nạn. Từ những tình huống thường gặp như chuột rút khi đang bơi, hay nhiều du khách không may bị trúng gió khi xuống biển…thì sự bình tĩnh, quyết đoán, cùng kỹ thuật hồi sức cấp cứu được rèn luyện hàng ngày đều được nhân viên cứu hộ áp dụng kịp thời và linh hoạt. Với họ, cứu người không đơn giản là công việc mà là niềm vui, niềm hạnh phúc khi bảo đảm an toàn tính mạng cho mọi người.
Không chỉ cứu người bằng sức mạnh hãy kỹ thuật, những người hùng mặc áo cam còn “sở hữu” khả năng tâm sự và thấu cảm đặc biệt với những người mang tâm trạng buồn.
Những ngày trời âm u, nhất là khi sáng sớm hoặc tối muộn, chỉ cần bắt gặp hình ảnh ai đó đang tha thẩn một mình bên mép nước là lập tức, mọi “ăng ten” của cứu hộ viên được hoạt động. Sẵn sàng tâm sự, lắng nghe hết thảy nỗi niềm của những người đang mất niềm tin vào cuộc sống và có những ý nghĩ… tiêu cực, nhân viên cứu hộ giống như bác sỹ tâm lý khích lệ tinh thần, giải tỏa nỗi niềm cho nhiều người.