2Sao

Khi tôi ngồi viết những dòng kỷ yếu này, Hà Nội đang bước vào thu. Nhớ mùa thu năm hai không lẻ hai, tôi bước chân vào ngôi nhà VASC Orient ( nay là VietNamNet ). Đã mười lăm năm rồi, nhưng ký ức ấy không thể nào quên, nhất là vào dịp VietNamNet thân yêu đang chuẩn bị kỷ niệm tuổi 20 này.

Thanh Hằng

ó là một chiều thu nắng vàng rực nơi góc phố Dã Tượng, nơi đặt trụ sở trang thông tin trực tuyến VASC Orient. Tôi cầm tập hồ sơ mỏng manh lên nộp, thú thực là với một sự mơ hồ tràn ngập: VASC Orient là gì? Báo điện tử là gì? Bởi ngày đó, trước khi ra trường, sinh viên khoa báo chúng tôi đã cộng tác có thâm niên với các tờ báo giấy. Sau khi ra trường, mỗi người chọn cho mình một tờ để cộng tác, mong nhanh chóng trở thành phóng viên chính thức. Còn báo mạng khi đó là 1 khái niệm mới, một phong cách và hướng đi hoàn toàn mới lạ.

Thấm thoát, tôi đã 'yêu' VietNamNet được 15 năm. Và mười lăm năm ấy, có biết bao nhiêu 'tình'?

Tôi có rất nhiều chuyện không thể quên được ở ngôi nhà VietNamNet.

Một trong những thứ không thể quên đó, mới đây khi ngồi cùng TBT đầu tiên, người sinh ra VietNamNet, anh Nguyễn Anh Tuấn, tôi vẫn hay nhắc lại. Đó là đêm 23/01/2003, tại tòa nhà Sao Bắc, số 4, phố Dã Tượng. Ngày hôm đó, mạng thông tin trực tuyến VASC Orient chính thức đổi thành VietNamNet.

Đêm hôm đó, tôi nhớ TBT Nguyễn Anh Tuấn, TKTS Kim Trung, Phạm Tuấn cùng nhiều phóng viên khác ngồi bên nhau từ chiều tối đến 0h, chờ thời khắc chính thức mang tên VietNamNet trên giao diện. Hồi hộp chờ những bài báo do chúng tôi tự viết, tự chụp (trước đó phần nhiều là gõ lại từ các tờ báo giấy đưa lên) xuất hiện trên giao diện mới, với những cái tên tác giả được gõ trang trọng phía dưới. Bài phóng sự đầu tiên ‘trên báo VietNamNet” của tôi được 'mở hàng' cho mục phóng sự - ký sự trên giao diện mới. Không có gì tả nổi niềm vui, tự hào này. Và nhiều đồng nghiệp khác cũng thế…

Những ly rượu được rót ra chúc mừng cuộc chuyển đổi thành công. Mắt ai cũng ánh lên niềm vui sướng, hy vọng tột cùng. Bởi, đây không chỉ đơn thuần là cuộc chuyển đổi giữa 2 cái tên VASC Orient - VietNamNet. Quan trọng hơn cả, đó là một dấu ấn lớn, viên gạch đầu tiên và chính thức đặt nền móng xây dựng thương hiệu báo điện tử VietNamNet, cho đến tận bây giờ.

Cái không thể quên thứ hai mặc dù 'rất muốn quên' là có những thời điểm VietNamNet như trở về 'thời kỳ đồ đá'. Đó là trong 2 năm liên tiếp (2010-2011), báo chịu 7 đợt tấn công với tất cả các hình thức từ hack đến DDOS với cường độ cực lớn, bằng những hình thức triệt hạ mạnh nhất, kinh khủng nhất, dã man nhất và chưa từng có đối với bất cứ trang web, báo điện tử nào ở Việt Nam.

Và thật tiếc nuối khi thời điểm đó có xảy ra rất nhiều vụ việc lớn. Trong khi các báo xuất bản tưng bừng, thì PV VietNamNet vẫn đi làm, nhưng mang về tòa soạn chẳng biết xuất bản vào đâu? Những tiếng thở dài âu lo của lãnh đạo báo, những ánh mắt thất thần của từng phóng viên, biên tập viên khiến cho không khí tòa soạn càng trở nên não nề. Và VietNamNet của chúng tôi khi đó, đúng nghĩa trở về 'thời kỳ đồ đá'...

Cuối cùng, với sự chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, sự hỗ trợ kịp thời từ các đơn vị, đối tác cũng như sự chủ động và nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên phóng viên VietNamNet, tờ báo vẫn tồn tại và đứng vững, trang bị cho mình nhiều bài học có giá trị cho đến tận bây giờ.


15 năm, tôi trải qua nhiều vị trí, theo dõi nhiều mảng ở VietNamNet. Đó là giao thông, lao động, tin nóng, nội chính, phóng sự, bão lũ. Và, mảng nào, vị trí nào cũng đong đầy những kỷ niệm khó phai, có thể viết vài lần kỷ yếu nữa có khi cũng chưa hết...

Khi còn trẻ, tôi đam mê phóng sự. Sau mỗi bản tin ngắn, mỗi tấm ảnh rời rạc, trong đầu tôi thường nghĩ đến phóng sự. 'Cái sự' đôi khi đến rất tình cờ và đơn giản, nếu như chịu quan sát, lăn lộn. Năm 2004, tôi đã thực hiện chuyến đi viết phóng sự 'vô tiền khoáng hậu' ở VietNamNet lúc đó.

Số là, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được tòa soạn mà trực tiếp là Tổng TKTS Phạm Anh Tuấn (bây giờ là TBT) cử đi Điện Biên để đưa tin, viết bài. Sau khi đưa vài thông tin mang tính lễ nghi, tôi được nhà báo, cây phóng sự Đỗ Doãn Hoàng rủ đi ngã ba biên giới A Pa Chải. Địa danh này ngày ấy còn vô cùng xa lạ với rất nhiều người. Đó là nơi giáp danh giữa 3 nước Việt - Lào - Trung, hay còn gọi là nơi 'một con gà gáy, 3 nước đều nghe".

Tôi chỉ kịp gọi điện báo cho Tổng TKTS Phạm Anh Tuấn "Tôi vào rừng ít bữa kiếm vài cái phóng sự sếp nhé!", rồi lên đường. 'Ít bữa' của tôi là cả 1 tháng trời ròng rã. Tòa soạn mất liên lạc (hồi đó các huyện miền núi Điện Biên chưa có sóng di động), gia đình không biết 'ông con' ở phương nào.

Tôi và Doãn Hoàng ròng rã đi bộ cả mấy tuần đường rừng, ăn ngủ với dân bản và biên phòng, với khát khao cháy bỏng là nhìn thấy cột mốc linh thiêng của tổ quốc, có những phóng sự về con người và vùng đất xa xôi cách trở này. Chuyến đi đó trở về, tôi viết được độ mươi phóng sự. Vừa được sếp khen, vừa bị sếp mắng một trận tơi tả: "Chuẩn bị làm thủ tục báo tin mất tích rồi đấy!"...

Năm 2011 xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký ở Bình Dương khiến 16 người thiệt mạng. Khi đó là trưởng ban Xã hội, tôi chịu trách nhiệm xuất bản (chỉ xuất bản được tại TS sau khi bị hacker tấn công).

Nhớ, lúc đó là chập tối ngày 20/5, PV chạy tin nóng ở Sài Gòn báo. Tôi đi bộ từ nhà (cách tòa soạn số 4 Láng Hạ chưa đến 1 km) với lời dặn vợ dại con thơ: "Anh/bố đi lên cơ quan xuất bản cái tin rồi về ngay". Và sau đó, đến tôi cũng không thể tưởng tượng cái 'về ngay' này nó dài lê thê thế nào!

Một mình tôi làm live (tường thuật trực tiếp) từ hiện trường với nhóm PV. Hồi đó, ban Xã hội không có biên tập viên, lại đang đêm nên không có ai hỗ trợ. Tay tôi gõ cập nhật, tai tôi nghe điện thoại.

Cứ thế, đồng hồ chỉ 0h lúc nào không hay. Lúc này ở hiện trường, mới chỉ tìm được vài nạn nhân và các PV vẫn đang mải miết ở đó. Không ngờ, việc tìm kiếm nạn nhân kéo dài tới tận... 3 ngày. Đồng nghĩa, tôi cũng bám trụ ngần ấy thời gian. Lời hứa 'về ngay' của tôi 'ngắn" như vậy...

Khi còn là PV thời sự, tôi gắn nhiều với những trận bão, lũ, sạt, sập. Năm 2006, cơn bão hung dữ Xangsane càn quét miền Trung, tôi đã có những giây phút hãi hùng mà không phải ai cũng trải nghiệm được.

Số là tôi đi đưa tin bão tại huyện Phú Lộc (TT-Huế). Đêm bão tối thui, anh cán bộ xã dẫn chúng tôi đi vào nơi bà con đang trú ẩn. Gió từ biển rít gầm gào, những hàng cây như muốn bay lên khỏi mặt đất. Anh cán bộ bảo đang hoàn lưu bão, rất nguy hiểm, chết như chơi. Chúng tôi theo sát chân anh, mấy người lầm lũi đi trong bóng đêm, qua cả khu nghĩa trang có những ngôi mộ mới đắp.

Bỗng gió nổi lên ào ào kèm theo những âm thanh lạ.


Ngay dưới chân tôi, một mảnh tôn bay tới, cắm phập vào gốc cây. Nếu không nhanh trú ẩn, đầu lìa khỏi cổ như người ta chém một cây chuối chứ chả chơi!


Thấm thoát, đã 15 năm tôi 'bén duyên' cùng VietNamNet. Từ một phóng viên tập sự ký 3 tháng 1 lần, 'ăn' mức lương 800 nghìn/tháng, tôi trải qua nhiều vị trí, đã chứng kiến và 'sống' trong những thăng trầm, biến cố cũng như sự lớn mạnh, vững chãi và nhiều thách thức như ngày nay của báo.

Có những lúc, tôi tự hỏi, 15 năm ấy, biết bao nhiêu TÌNH? Và tôi không trả lời được!

Nhưng cũng có những lúc, tôi thầm nghĩ, VietNamNet là gì trong trái tim tôi?

Rồi tự trả lời: Đó là tuổi trẻ, là tình yêu, là đam mê, là dâng hiến, là đau đáu, là trăn trở và là... tất cả!